Sau khi kết hôn, nhiều người vợ mong muốn chuyển hộ khẩu theo chồng để thuận tiện cho việc quản lý hành chính và sinh hoạt gia đình. Thủ tục này có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định tư cách pháp lý của người vợ trong gia đình mới, đồng thời tạo sự liên kết về mặt hành chính giữa hai vợ chồng. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, việc nắm rõ các quy định và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ là điều cần thiết. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin chi tiết và hướng dẫn cần thiết để hoàn tất thủ tục chuyển hộ khẩu theo chồng.
1. Điều kiện để chuyển hộ khẩu theo chồng
Căn cứ vào Điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận và không bị giới hạn bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Theo đó, Điều 14 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của vợ chồng:
“1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ chồng thường xuyên chung sống.
2.Vợ, chồng có thể cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Nếu trường hợp vợ về ở với chồng, căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Như vậy, nếu người vợ nhập khẩu vào nhà chồng thì cần có sự đồng ý từ chủ hộ và chủ sở hữu căn nhà.
2. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
- Tờ khai đăng ký thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA). Trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có đồng ý bằng văn bản; (01 bản chính)
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp vợ về với chồng, chồng về với vợ, cha, mẹ về với con, con về với cha mẹ, người cao tuổi, người khuyết tật, người chưa thành niên về với anh, chị, em ruột hoặc trường hợp khác đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành (Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP); (bản chính 01)
3. Thủ tục nhập hộ khẩu về nhà chồng
Bước 1: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan đăng ký cư trú và thời gian thực hiện
Cơ quan đăng ký:
Công an xã, phường, thị trấn;
Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Thời gian thực hiện: 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Thủ tục chuyển hộ khẩu theo chồng. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!
Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555
hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn
Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.