Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sáng chế trở thành một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy tiến bộ và đổi mới. Việc bảo hộ sáng chế không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo mà còn khuyến khích sự phát triển của công nghệ và kinh tế. Tuy nhiên, để duy trì sự cân bằng và đảm bảo tính công bằng trong xã hội, luật pháp đã đặt ra những giới hạn cụ thể về những gì có thể và không thể được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. Hiểu rõ những đối tượng không được bảo hộ là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và thúc đẩy môi trường sáng tạo lành mạnh.

Hỏi đáp về Sở hữu trí tuệ

1. Sáng chế là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 12 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Theo Cục sở hữu trí tuệ, giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

2. Điều kiện để được bảo hộ

Theo khoản 1 điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện bảo hộ đối với sáng chế như sau:

“1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây

a) Có tính mới;

b) Có khả năng áp dụng công nghiệp”

3. Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

Theo điêu 59 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định về các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

“Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

3. Cách thức thể hiện thông tin;

4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

5. Giống thực vật, giống động vật;

6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.”

3.1. Phát minh, lý thuyết khoa học và phương pháp toán học có nguồn gốc bản chất từ tự nhiên, tồn tại độc lập và không phụ thuộc vào sự sáng tạo của con người. Con người chỉ đóng vai trò phát hiện, nhận diện những phát minh và lý thuyết này, chứ không phải là người tạo ra chúng.

Phát minh không thể được áp dụng trực tiếp vào đời sống mà chỉ đóng vai trò làm nền tảng để con người phát triển các sản phẩm và giải pháp đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Trong khi sáng chế có thể bị suy giảm giá trị hoặc lụi tàn theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, phát minh thì luôn tồn tại bền vững và song hành cùng lịch sử nhân loại.

Do đó, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không bảo hộ phát minh dưới danh nghĩa sáng chế.

3.2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc, phương pháp thực hiện hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh hay cách thức thể hiện thông tin

Những đối tượng này mang tính chất tư duy, là kết quả của việc suy luận, đánh giá, phân tích hoặc thông qua quan sát và ghi nhớ cá nhân. Chúng không phải là các giải pháp kỹ thuật và thường không áp dụng các quy luật tự nhiên, nên không thể thực hiện việc áp dụng vào sản xuất công nghiệp thực tiễn. Vì vậy, những đối tượng này không đáp ứng điều kiện để được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, mà thay vào đó sẽ được bảo hộ theo quy định của quyền tác giả dưới dạng các tác phẩm.

3.3. Chương trình máy tính

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chương trình máy tính được định nghĩa là tập hợp các chỉ dẫn dưới dạng lệnh, mã hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Một chương trình máy tính có thể được thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau, tương tự như tác phẩm văn học có thể được đọc và thể hiện dưới dạng viết. Vì vậy, chương trình máy tính không được bảo hộ dưới dạng sáng chế mà được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả.

3.4. Giải pháp chỉ mang tính thẩm mỹ

Những giải pháp mang tính thẩm mỹ, mặc dù có thể được sử dụng cho mục đích công nghiệp thông qua việc gắn vào các sản phẩm sản xuất hàng loạt, nhưng nếu chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ mà không có chức năng kỹ thuật thì sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. Thay vào đó, chúng thường được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp hoặc theo cơ chế quyền tác giả.

3.5. Giống thực vật, giống động vật và quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học không phải là quy trình vi sinh

Những đối tượng này không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế nhằm bảo vệ đạo đức xã hội và trật tự công cộng. Ví dụ, quy trình nhân bản vô tính người hoặc quy trình biến đổi gen động vật có thể gây đau đớn mà không mang lại lợi ích nào cho con người hoặc động vật, và thậm chí gây hại cho những động vật được tạo ra từ các quy trình đó. Hơn nữa, việc tạo ra các giống thực vật và động vật đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, vì vậy chúng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

3.6. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người, động vật. Việc bảo hộ độc quyền sáng chế cho các phương pháp này có thể cản trở khả năng tiếp cận các phương pháp phòng chống và chữa bệnh mới. Loại trừ độc quyền và thương mại hóa đối với các phương pháp này nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận các phương pháp chăm sóc và chữa bệnh tốt nhất cho con người. Ngoài ra, việc áp dụng những phương pháp này đối với mỗi đối tượng cụ thể không đạt hiệu quả giống nhau, do đó chúng không đáp ứng điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp để được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

3.7. Các sáng chế trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng hay gây hại cho quốc phòng an ninh

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ, những sáng chế xâm hại đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng, sức khỏe con người, các sinh vật khác, quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia sẽ bị từ chối bảo hộ dù có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ khác. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quyền từ chối bảo hộ những sản phẩm này dưới danh nghĩa sáng chế.

Trên đây là tư vấn của  Công ty Luật Việt Phong về Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề