Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

 

Việc đăng ký quyền tác giả đòi hỏi một quy trình cụ thể với nhiều bước và yêu cầu cần tuân thủ. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, với các thành phần quan trọng như tờ khai, bản sao tác phẩm và các tài liệu liên quan, đóng vai trò nền tảng trong việc xác lập quyền lợi cho tác giả và chủ sở hữu. Thông qua việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, các cá nhân và tổ chức có thể đảm bảo rằng quyền lợi sáng tạo của mình được bảo vệ một cách hợp pháp và hiệu quả.

1. Quyền tác giả là gì?

Theo khoản 2 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm đó được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ mà không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

2. Điều kiện đăng ký quyền tác giả

Tác phẩm phải thuộc một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả, theo quy định tại điều 14 quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
  • Tác phẩm phái sinh (trường hợp tác phẩm phái sinh không gây phương hại đến quyền tác giả và sản phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh).

Một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả cần phải thỏa mãn điều kiện là tác phẩm này được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác (khoản 2 điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022) và tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác (khoản 3 điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ  sửa đổi bổ sung năm 2022).

3. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Theo khoản 2 điều 50 quy định về Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:

a, Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan:

Tờ khai phải làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin vê cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b, Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c, Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;

d, Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

e, Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

đ, Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Tài liệu quy định tại các điểm c; d; e và đ đều phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Hồ sơ đăng ký quyền tác giả. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!

 

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề